Thời tiết thay đổi thất thường, sức đề kháng của trẻ kém là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị ốm. Khi các bé bị ốm, không chỉ khiến bé chán ăn, bỏ ăn, sụt cân mà còn quấy khóc khiến bố mẹ cũng vô cùng mệt mỏi. Vậy chăm sóc con bị ốm như thế nào để bé nhanh khỏi, để sớm được thấy bé nhảy nhót vui đùa cùng chúng bạn mà không khiến bạn phải ngày đêm lo lắng về tình hình ốm đau của con nữa. Một vài điều lưu ý dưới đây sẽ giúp các mẹ nào có con đang ốm biết thêm được nhiều điều thú vị cũng như những mẹ nào có con nhỏ tham khảo đề phòng lúc các con ốm biết cách chăm sóc con ốm kịp thời.
1. Uống nhiều chất lỏng
Bạn không thể chữa cảm lạnh hay cảm cúm cho con nhưng có thể điều trị các triệu chứng của bệnh. Những điều cơ bản giúp trẻ mau khỏe bao gồm nghỉ ngơi tốt và nạp nhiều chất lỏng. Hãy cho con uống nhiều nước, sữa tươi hay sữa công thức để cung cấp đủ nước cho bé. Bạn cũng có thể cho con dùng trái cây đông lạnh, kem và thạch hoa quả. Đừng quên súp gà rất tốt cho người ốm, kể cả trẻ.
2. Nghỉ ngơi thật nhiều
Nghỉ ngơi giúp trẻ nhanh hồi phục. Vì vậy tốt nhất nên cho con nghỉ học và không đến những sự kiện đông đúc, nhất là khi bé bị sốt. Bé ở nhà cũng giúp ngăn sự lây lan vi khuẩn, virus. Để giải trí, có thể cho bé xem tạp chí, sách hay xem phim. Bé có thể quay lại trường học và hoạt động như cũ khi hết sốt và cảm thấy khỏe.
3. Làm dịu tình trạng đau họng
Hãy nghĩ về giải pháp nóng và lạnh cho việc làm dịu cổ họng đau rát. Sinh tố, đồ uống lạnh và kem sẽ làm tê cổ họng bé trong khi nhấm nháp chút súp ấm hay tách trà táo làm dịu họng. Nếu trên 8 tuổi, bé có thể cảm thấy khá hơn sau khi súc miệng với nước muối ấm hai lần một ngày. Acetaminophen hay ibuprofen có thể cũng làm dịu tình trạng đau họng. Thuốc xịt và viên ngậm thường không mấy tác dụng với tình trạng này.
4. Chữa ngạt mũi, chảy nước mũi
Nếu con bạn bị chảy nước mũi, có thể dùng dụng cụ hút mũi kiểu bóp bóng bằng cao su. Nhỏ 3 giọt nước ấm hay nước muối vào mỗi lỗ mũi để làm mềm chất nhầy và đợi một phút trước khi hút nó ra ngoài. Nâng đầu bé cao hơn 8-10 cm để giúp bé dễ thở hơn. Máy tạo độ ẩm phun sương mát hay bình bay hơi có thể giúp thông ngạt. Nếu mũi bé đỏ do xì hay lau mũi quá nhiều, hãy bôi một chút vaseline lên vùng da gần mũi bé.
5. Giảm sốt
Sốt không gây hại cho trẻ nhưng nó có thể khiến bé khó chịu. Nếu bé sốt, nên cho bé mặc đồ thoáng, mỏng và ở trong phòng mát mẻ. Đặt một chiếc khăn mát lên trán và cổ bé. Bé có thể không cần dùng thuốc để giảm sốt nhưng trẻ 6 tháng trở lên có thể uống acetaminophen hay ibuprofen. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ dưới hai tuổi và cần tuân theo chỉ dẫn.
6. Hạn chế cơn ho
Ho có cần điều trị hay không? Điều đó tùy thuộc vào độ tuổi của bé và mức độ ảnh hưởng của những cơn ho tới trẻ. Một số trẻ bị ho vẫn có thể ngủ ngon và vui chơi tốt.
Tình trạng ho khan dai dẳng thường khiến bé khó chịu và làm đứt quãng giấc ngủ của trẻ thì cần lưu ý. Với trẻ từ 3 tháng tới một tuổi, cho bé uống một số dung dịch nước ép táo, nước chanh hay siro agave. Mật ong có thể giúp làm dịu cơn ho đêm nhưng chỉ nên dùng cho bé trên một tuổi. Bạn có thể cho trẻ 6 tuổi trở nên ngậm viên giảm ho hoặc kẹo cứng. Còn cách gì khác không? Cho bé hít thở hơi ẩm, ấm trong phòng xả vòi sen nước nóng hay đặt một máy tạo ẩm trong phòng trẻ.
7. Phân biệt trẻ bị cảm cúm hay cảm lạnh
Thật khó để phân biệt sự khác biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm. Nhìn chung, trẻ sẽ cảm thấy mệt hơn khi bị cảm cúm và bé có thể chuyển từ trạng thái khỏe sang mệt nhanh chóng. Bé có thể trở nên kiệt sức và thấy ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và sốt cao. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn nghĩ con bị cảm cúm. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp bé nhanh hồi phục hơn.
8. Vấn đề về tiêu hóa
Trẻ bị cúm có thể khó chịu trong dạ dày, nôn và tiêu chảy. Khi đó bé sẽ mất nước, vì vậy hãy cho con bù nước bằng cách cho bé uống từng chút một nước điện giải hay mút một que kem. Trẻ bị tiêu chảy mà không mất nhiều ước hay nôn có thể ăn uống bình thường. Nên cho bé ăn thành các bữa nhỏ và nấu loãng hơn. Nước bù chất điện giải là giải pháp hữu hiệu cho các trường hợp này. Trà gừng, nước trái cây và nước uống tăng lực dùng trong thể thao có thể làm tình trạng tiêu chảy tệ thêm.
9. Cho bé ăn thực phẩm mềm
Hãy đảm bảo cho bé ăn khi con đói. Thực phẩm mềm dễ nuốt và hấp dẫn hơn với bé đang ốm. Thử cho bé ăn các món như súp táo, cháo yến mạch, khoai tây nghiền và sữa chua.
10. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ
Các cách chữa tại gia rất hữu ích để chữa cảm lạnh và cảm cúm vì hầu hết các thuốc chữa cảm đều không tốt cho trẻ dưới 4 tuổi. Bạn không nên sử dụng các thuốc này, ngay cả khi chúng ghi trên nhãn là thuốc dành cho trẻ em. Với trẻ 4 tuổi trở lên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc dùng cho con và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng. Đừng bao giờ cho trẻ uống thuốc của người lớn hay dùng aspirin để điều trị các triệu chứng cảm lạnh hoặc dùng hơn một loại thuốc có các thành phần tương tự.
11. Hãy tin vào linh tính của bạn
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn lo lắng hay các triệu chứng của con xấu đi. Hãy cẩn trọng trước các dấu hiệu như: đau ngực, đau bụng, thở dốc, đau dầu, mệt mỏi bất thường hay tình trạng đau họng hoặc mặt nặng thêm. Cần hỏi bác sĩ nếu con bạn sốt cao, từ 39,5 độ C trở lên hay sốt 38,3 độ C trở lên kéo dài hơn một ngày. Nếu con bạn gặp vấn đề khi nuốt, ho ra nhiều đờm hay sưng hạch hoặc bị đau tai, hãy đưa bé đi khám ngay.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét